Ngày càng nhiều các doanh nghiệp FDI muốn xây dựng cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Để tận dụng cơ hội ‘vàng’ từ làn sóng dịch chuyển sản xuất và cạnh tranh với các quốc gia láng giềng, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có sự thay đổi tích cực.
Tăng nhu cầu sản phẩm CNHT
Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có sự tăng trưởng đáng kể. Theo Bộ Công thương, hiện Việt Nam có khoảng khoảng 5000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT), trong đó có khoảng 100 doanh nghiệp đang là nhà cung cấp cấp 1 cho các Tập đoàn lớn, và khoảng 700 doanh nghiệp là nhà cung cấp cấp cấp 2 và cấp 3. Tính riêng trong lĩnh vực cung ứng linh kiện ô tô, đến cuối năm 2022, các doanh nghiệp cung ứng linh kiện đạt tiêu chuẩn nhà cung ứng cấp 1 của Việt Nam cho các hãng ô tô lớn bình quân lên tới hơn 400 doanh nghiệp, tăng hơn 200% so với năm 2016.
Trong khi đó, nhờ làn sóng dịch chuyển sản xuất, ngày càng nhiều tập đoàn lớn xây dựng, đặt trụ sở sản xuất tại Việt Nam. Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2023 đạt gần 10,86 tỷ USD, tăng 10,6% so với 4 tháng đầu năm. Sự chuyển dịch của các doanh nghiệp FDI kéo theo nhu cầu rất lớn về xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng hoàn thiện, nhằm giúp doanh nghiệp tối ưu hóa nguồn nhân lực, tiết giảm chi phí đầu tư.
Để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp FDI và gia tăng sức hút của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong những năm gần đây đã có sự thay đổi, tăng trưởng tích cực.
Tận dụng lợi thế từ làn sóng FDI
Theo ông Bùi Thanh Nam, Tổng Giám đốc CTCP Nhựa Hà Nội, một trong những doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có lịch sử phát triển lâu đời tại Hà Nội, thì các doanh nghiệp muốn sẵn sàng đón làn sóng đầu tư FDI vào Việt nam, đặc biệt là tiếp nhận các đơn hàng khó, doanh nghiệp cần đầu tư chiều sâu cả về quy mô, vốn, con người và công nghệ, nhằm thích ứng tính cạnh tranh cả về chất lượng và giá cả, tiến độ so với Trung Quốc và các nước trong khu vực.
Doanh nghiệp FDI vốn có yêu cầu rất cao cho sản phẩm, linh kiện chính xác, yêu cầu ngoại quan cao và tiến độ khuôn mẫu, tiến độ giao hàng nhanh chóng, giá cả cạnh tranh cũng là một yếu tố quyết định trong kinh doanh. Bên cạnh các yêu cầu về kĩ thuật, giá thành, chất lượng sản phẩm, để trở thành nhà cung cấp cho doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp cũng cần phải thiết lập hệ thống quản lý chất lượng, môi trường dựa trên tiêu chuẩn toàn cầu như ISO 9000, ISO 14001, và chứng chỉ IFTA16949 cho ngành ô tô. Đây chính là các hành trang cần thiết cho sự phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt nam thời hội nhập và dịch chuyển vùng của các hãng công nghiệp lớn hiện nay.
Nắm bắt cơ hội và thách thức trên, Công ty CP Nhựa Hà nội đã và đang tự hoàn thiện hệ thống quản lý của mình, tăng cường cải tiến, đầu tư công nghệ mới, máy móc thiết bị phụ trợ tiên tiến, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất. Mới đây, nhờ những cải tiến trong sản xuất, Nhựa Hà Nội đã giành Giải Toàn diện (Best Performance) cho nhà cung ứng linh kiện Việt Nam tốt nhất do Công ty Toyota Boshoku Việt Nam và Toyota Boshoku Châu Á (một thành viên của Toyota) trao tặng. Để giành được danh hiệu đó, Nhựa Hà Nội đã đáp ứng được cả 4 tiêu chí ‘S, Q, C, D’ – An toàn (S) – đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động; Chất lượng (Q) – cung ứng sản phẩm đạt chất lương cao (dung sai trong khoảng 0,1 PPM), Giá cả (C) – chi phí sản xuất thấp, giá cả cạnh tranh với hàng nhập khẩu và doanh nghiệp trong nước, Giao hàng (D) – thời gian giao hàng đúng hạn.
Nhựa Hà Nội hiện là nhà cung ứng cho nhiều Tập đoàn có thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như Honda, Toyota, Piaggio, Daikin, Canon, LG, Panasonic, Housetec, Shoden… Hiện tại, các nhà máy của Nhựa Hà Nội được trang bị hệ thống máy đúc phun với các hệ máy từ 50T đến 2500T, đáp ứng nhu cầu sản xuất đa dạng từ các sản phẩm chính xác nhỏ, cho đến sản phẩm có kích thước rất lớn trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô. Nhằm đáp ứng tốt các yêu cầu kĩ thuật và đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra, Công ty cũng đầu tư các hệ thống thiết bị phụ trợ như hệ thống làm mát bằng các máy ra nhiệt, máy chiller, tháp tản nhiệt, hệ thống tay robot tự động hóa, và hệ thống kiểm soát chất lượng đầu vào nguyên liệu sản xuất…, ngoài ra còn có các thiết bị in Tampon, in lưới, thiết bị kiểm tra chất lượng sản phẩm như máy cân bằng động, thiết bị kiểm tra độ phá hủy của cánh quạt cho động cơ xe máy, thiết bị so màu, test RoHS cho sản phẩm điện tử…
Việc đầu tư công nghệ và xây dựng hệ thống sản xuất trên nền tảng số hóa giúp Nhựa Hà Nội đảm bảo sản lượng sản xuất ổn định, công ty luôn đạt mục tiêu chất lượng và mục tiêu giao hàng khắt khe của các đối tác lớn. Hệ thống máy móc tự động hóa đồng thời giúp giảm thời gian gia công, tăng hiệu suất và giảm chi phí sản xuất sản phẩm.
“Nếu xét về số lượng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thì con số của chúng ta còn rất khiêm tốn so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Tuy nhiên, nếu xét về chất lượng và giá cả thì chúng tôi hoàn toàn có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực. Đó là lí do Nhựa Hà Nội đang đẩy cải thiện công nghệ sản xuất và số hóa quy trình sản xuất để gia tăng năng lực cạnh tranh”, ông Nam chia sẻ.
Làn sóng dịch chuyển sản xuất sang các nước khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ tiếp tục tăng thêm hơn nữa trong thời gian tới. Việt Nam vì vậy tận hưởng cơ hội rất lớn để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, để cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực và hình thành chuỗi cung ứng – sản xuất hoàn thiện, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cần sự bền bỉ và trợ lực mạnh mẽ từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong thời gian tới.